kế hoạch của Trung Quốc thôn tính Trường Sa, Biển Đông và cả thế giới

Tầm quan trọng về vị trí chiến lược của Nam Hải – Địa Trung Hải của châu Á

 

basamnews on 14/10/2011

Đôi lời: Có lẽ Trung Quốc đã bỏ qua lời khuyên “ẩn mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình, khi bài viết này bộc lộ rõ âm mưu và kế hoạch của Trung Quốc thôn tính Trường Sa, Biển Đông và cả thế giới. Những ai còn tin vào tình bạn 16 chữ vàng và 4 tốt của Trung Quốc, nhất là những ai có ý định hợp tác với Trung Quốc để khai thác chung ở biển Đông, cần đọc kỹ bài này, để thấy mưu đồ của họ ra sao. Trong bài này, xin được giữ nguyên văn mà tác giả đã sử dụng ở bài gốc về các cụm từ như “Nam Hải” thay vì “Biển Đông”, “Tây Sa” thay vì “Hoàng Sa”, “Nam Sa” thay vì “Trường Sa”…cho đúng giọng điệu của tác giả.

—————-

NEWS.V1.CN

Tầm quan trọng về vị trí chiến lược của Nam Hải

Địa Trung Hải của châu Á

18-07-2011

Ý cốt lõi:  Vị trí chiến lược Nam Hải (tức Biển Đông) hết sức quan trọng, đồng thời cũng rất ưu việt: nó là trục hai đại dương, là hòn đá tảng về quyền lực biển, là đồng tiền sinh mệnh trên biển của Trung Quốc! Nam Hải vốn có tên gọi là “Địa Trung Hải của Châu Á”, toàn bộ vùng biển có diện tích hơn 3,5 triệu km2, trong gần 3 triệu km2 lãnh thổ trên biển của nước ta, riêng Biển Đông đã chiếm tới hơn 2 triệu km2. Biển Đông nằm ở khu vực  nối kết Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, là vùng biển duy nhất nối liền hai đại dương trong số 4 biển lớn của nước ta!   

Nước ta là một cường quốc ven biển có bờ biển dài 18 ngàn km, quản lý một  vùng biển rộng gần 3 triệu km2. Bốn biển chung quanh thông từ bắc xuống nam, nối liền thành một thể. Do vị trí biển và đất liền độc đáo ở nước ta, đồng thời cũng do thời cận đại, chúng ta bị suy yếu hàng trăm năm, nên phần lớn những con đường chiến lược biển thông ra đại dương bên ngoài đã bị vuột khỏi tay: về phía bắc, ta bị mất con đường thông ra bắc Thái Bình Dương. Về phía đông, do chưa thống nhất được Đài Loan, quần đảo Ryukyu đã bị cưỡng chiếm, chúng ta bị mất con đường thông ra đông Thái Bình Dương. Về phía nam do ta bị mất Miến Điện là nước phiên thuộc vốn có, phần lớn Nam Sa (tức Trường Sa) đã bị thôn tính, nên chúng ta bị ở vào “Thế khốn Malacca”! Cả 3 con đường chiến lược thông ra biển lớn đều không nằm trong tay chúng ta! Đây là một thế cục hết sức nguy hiểm, và còn là một thế khốn trầm trọng biết bao! Nước ta buộc phải rơi vào vòng phong tỏa của các chuỗi đảo, rơi vào vòng khó xử “có biển mà không có biển” trong suốt một thời gian dài!

Lối ra cho Trung Quốc ở đâu? Liên minh Thu phục Lãnh thổ cho rằng tương lai của Trung Quốc là ở biển! Sự cường thịnh của Trung Quốc là ở biển! Sự đột phá của Trung Quốc là ở biển! Trước cái thế khốn về biển nặng chịch như vậy, Liên minh Thu phục Lãnh thổ cho rằng, nơi để Trung Quốc thực hiện bước đột phá biển ở giai đoạn này là ở Biển Đông!         

I.  Yếu địa chiến lược cực kì ưu việt: Nam Hải

Vị trí chiến lược của Nam Hải cực kỳ quan trọng, đồng thời cũng cực kỳ ưu việt: là trục hai đại dương, là hòn đá tảng về sức mạnh biển, là đồng tiền sinh mệnh trên biển của Trung Quốc! Nam Hải vốn có tên gọi là “Địa Trung Hải của Châu Á”, toàn bộ vùng biển có diện tích hơn 3,5 triệu km2, trong gần 3 triệu km2 lãnh thổ trên biển của nước ta, riêng Nam Hải đã chiếm tới hơn 2 triệu km2.  Nam Hải nằm ở vùng gắn kết Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, là vùng biển duy nhất nối liền hai đại dương trong số 4 biển lớn của nước ta! Là mắt xích chiến lược từ vùng Đông Á, Đông Bắc Á, Đông Nam Á thông tới châu Phi, châu Âu, châu Đại Dương và Ấn Độ Dương; đồng thời cũng là vùng chiến lược trên biển mà Mỹ đi lên phía bắc, Nhật đi xuống phía nam, Trung Quốc sang phía tây và Ấn Độ sang phía đông, đều phải đi qua! Kiểm soát được biển này trong tay, ở một chừng mực rất lớn, sẽ có thể ngồi trên hai đại dương mà tóm gọn tám phương!  Nam Hải là con đường chiến lược và là đồng tiền sinh mệnh trên biển quan trọng nhất của Trung Quốc! Nước ở  Nam Hải cực lớn, vùng biển rộng bao la, môi trường biển phức tạp, sản vật phong phú, giàu tài nguyên, cảnh sắc tuyệt vời, là kho châu báu biển thiên nhiên của Trung Quốc!

Thử nhìn quanh Trung Quốc mà xem, tương lai theo dự kiến ở phía bắc đều không thể có được vùng lãnh thổ mới hoặc có được con đường đi ra đại dương; Nhật Bản và vùng biển Ryukyu ở phía đông là điểm nhánh và mắt xích chiến lược để Mỹ – Nhật khống chế Tây Thái Bình Dương, là trọng điểm buôn bán, trọng điểm đóng quân từ hơn nửa thế kỷ nay, lực lượng hải không quân của hai nước Mỹ –  Nhật mạnh hơn nhiều so với Trung Quốc chúng ta, tư thế chiến lược này đã tồn tại từ lâu, khó lòng đột phá nổi.

Vấn đề Đài Loan do có dính dáng tới sự thay đổi toàn bộ mô hình biển, nên Mỹ – Nhật  chắc chắn sẽ khó nhượng bộ một cách dễ dàng, muốn giải quyết được quả là khó khăn trăm bề, việc giải quyết vấn đề Ryukyu lại càng là xa vời, cho nên con đường  ra Thái Bình Dương về phía đông sẽ khó lòng khơi thông nổi trong thời gian dài! Hướng Nam Hải đã trở thành nơi duy nhất có thể thực hiện được bước đột phá quan trọng trong giai đoạn hiện nay của Trung Quốc!

Xung quanh Nam Hải, ngoài Trung Quốc ra, các nước còn lại đều là những nước nhỏ, nằm cách xa khu vực khống chế trọng điểm của Mỹ – Nhật; và cũng nằm cách xa cả phạm vi thế lực của Nga; cường quốc Ấn Độ nằm ngoài khu vực phụ cận duy nhất vẫn còn bị bán đảo Đông Dương (bán đảo Trung Nam theo nguyên văn – ND) ngăn cách, bán đảo Mã Lai và eo biển Malacca. Nơi đây lại là căn cứ địa biển sâu tự nhiên của Trung Quốc, là con đường biển đẹp nhất để đi xuống phía nam, ra đại dương về phía tây của Trung Quốc. Khi chưa thống nhất với Đài Loan, Nam Hải còn là căn cứ địa hàng không mẫu hạm, căn cứ địa tàu ngầm hạt nhân duy nhất của Trung Quốc, đồng thời còn là nơi dàn quân của các lực lượng hải quân, không quân không còn đâu thiên nhiên hơn, nhiều hơn, lớn hơn được nữa của Trung Quốc! Nơi đây là chiếc cổng sinh mạng trong chiến lược biển của Trung Quốc, là con đường thông thương chiến lược, yếu địa chiến lược chỉ cần chạm vào một sợi tóc là đụng đến toàn thân!

Hiện nay, Mỹ không có căn cứ địa hải quân cỡ lớn trên Nam Hải, tuy Mỹ vẫn còn sân bay Changi ở Singapore và còn có lực lượng quân sự ở Thái Lan, nhưng các lực lượng quân đội Mỹ ở các căn cứ địa có ảnh hưởng lớn đến Nam Hải như vịnh Cam Ranh của Việt Nam, vịnh Subic của Philippins đã rút khỏi từ lâu. Gần đây, tuy Mỹ có quay lại hai căn cứ địa hải quân lớn này, nhưng vẫn chưa thể được như mong muốn. Mười năm qua, ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Nam Á suy yếu dần, trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng mạnh lên. Xét ở một chừng mực nhất định, nơi đây đã trở thành một vùng chân không chiến lược, tới mức Tổng thống Ôbama đã phải coi việc quay trở lại Đông Nam Á là nằm trong chương trình nghị sự của chính sách sau khi trúng cử Tổng thống. Liên minh Thu phục Lãnh thổ cho rằng, sở dĩ xuất hiện cục diện này, rất có thể là do cảnh giác trước vấn đề nhờ cậy Đài Loan, các thế lực Mỹ – Nhật… đã nhận thấy khi người Trung Quốc còn chưa giải quyết được vấn đề Đài Loan, thì sẽ không đưa một lực lượng quân sự lớn vào Nam Hải, vì thế mà chưa tăng cường lấn sâu và kiểm soát khu vực này.

Đông Nam Á có 3 thùng thuốc súng lớn, lần lượt là bán đảo Triều Tiên, Đài Loan cùng đảo Điếu Ngư ở Nam Hải Trung Hoa và quần đảo Nam Sa, Việt Nam. Cả 3 yếu địa này đều nằm xung quanh Trung Quốc, đều có liên quan đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc. Ba khu vực lớn này có thể kiềm chế lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, bất cứ khu vực nào nảy sinh vấn đề cũng đều là nơi Trung Quốc cần cứu cả. Tương tự như vậy, bất cứ một biến cố nào xảy ra trong 3 khu vực lớn này cũng đều liên quan đến sự sống còn của Mỹ – Nhật. Xét từ phương diện này, cả Trung Quốc và Mỹ – Nhật đều là con tin của 3 khu vực lớn ấy. Chính từ ý nghĩa này, nếu giải quyết được vấn đề Nam Hải (chủ yếu là vấn đề Nam Sa), sẽ giúp ích cho việc giải quyết vấn đề Đài Loan, vấn đề đảo Điếu Ngư, thậm chí cả vấn đề Ryukyu ở một mức độ rất lớn.

Do Nam Hải xưa nay chính là vùng biển truyền thống của Trung Quốc, Nam Sa tuy đã bị chiếm giữ phần lớn, tuy có Mỹ đứng đằng sau hậu thuẫn, song xét về cả cục diện Nam Hải, thì Trung Quốc vẫn còn chiếm ưu thế chiến lược tương đối lớn: một là ưu thế về lịch sử và chủ quyền của Trung Quốc, ưu thế này cho đến trước thập niên 70 của thế kỉ trước, vẫn bền vững không thể phá vỡ nổi. Hai là xét về hiện trạng Nam Hải, mặc dù Trung Quốc chưa thể kiểm soát được phần lớn Nam Sa, nhưng Trung Quốc đã hoàn toàn kiểm soát được đảo Hải Nam, quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa), kiểm soát được gần hết quần đảo Trung Sa (không kể đảo Hoàng Nham), kiểm soát được toàn bộ khu vực phíc bắc (không kể quần đảo Đông Sa đã bị Đài Loan chiếm giữ), vùng giữa Nam Hải, cho đến vùng biển nam quần đảo Trung Sa, đồng thời thực tế đã chiếm được 7 mảnh đất hẹp (không kể đảo Thái Bình – tức đảo Ba Bình – của Đài Loan) trên Tây Sa. Ba là xét về thế nước, thế quân, Trung Quốc là một nước lớn duy nhất ở quanh Nam Hải, sức mạnh của các nước ven Nam Hải khác có gộp lại cũng không theo kịp được Trung Quốc. Bốn là Nam Hải có ưu thế về địa thế cực mạnh, kiểm soát được vùng này sẽ có sức ảnh hưởng cực lớn đến vùng khác: chỉ cần Trung Quốc kiểm soát thật chặt Nam Hải, là có thể kiểm soát luôn được cả mạch sống trên biển của các vùng Đông Á, Đông Bắc Á và Đông Nam Á! Có thể ngăn cản được Mỹ từ Bắc Ấn Độ Dương vòng lên Tây Thái Bình Dương; có thể ngăn cản được Hàn Quốc, Nhật Bản xuống Nam Hải về phía nam, qua Ấn Độ Dương về phía tây; có thể ngăn cản được Ấn Độ sang Nam Hải về phía đông, thâu tóm Thái Bình Dương; với Trung Quốc, Nam Hải là một thanh gươm sắc chĩa về Đông Nam Á!

Nếu chốt được căn cứ địa ở đây còn có thể thâu tóm được cả Đông Nam Á, chia cắt được Khối ASEAN, từ đó mà tiến sang Ấn Độ Dương về phía tây, thực sự khơi thông được con đường ra biển ở vùng phía nam; tất nhiên còn có thể chi viện cho Đài Loan, canh giữ được nội địa cho đại lục về phía bắc. Trung Quốc thu hồi lại Nam Sa, tạo thành thế chân vạc ở Nam Hải sẽ vừa giành được cái lợi về Nam Hải, lại tránh được cái hại bị phong tỏa, đầu xuôi đuôi lọt, thênh thang rộng mở, đặt được nền tảng ngàn đời cho sự phồn vinh cường thịnh của Trung Quốc.

II.  Các ý tưởng cơ bản của việc thực hiện sự đột phá

Các ý tưởng cơ bản về việc thực hiện sự đột phá chiến lược của Liên minh Thu phục Lãnh thổ là: dám đấu tranh, lấy việc thu hồi lại các đảo đá ngầm, vùng biển đã bị chiếm cùng lợi ích trên biển làm mục tiêu căn bản; tạo ra sự bảo đảm an toàn cơ bản nhất cho việc thực hiện sự đóng quân ở tiền duyên; lấy việc can thiệp tích cực, khai thác toàn diện làm động lực và điểm tựa cơ bản, làm kế sách lâu dài cho việc kinh doanh Nam Hải, nhất là kinh doanh Nam Sa; lấy việc đấu tranh cầu hòa bình, đấu tranh đòi lợi ích, kiên trì tiến dần theo tuần tự bắc trước, nam sau, dễ trước, khó sau, từng bước thít chặt, đuổi ra dần dần các thế lực đối địch làm thủ pháp, vừa gia ân vừa ra uy, vừa đánh đi vừa lôi lại, thực hành trò chơi toàn phương vị, dùng vũ lực bức quay trở về, dùng lợi ích dụ quay trở về, dùng đối sách quốc lực tổng hợp làm kế sách giành thắng lợi.

III.  Các phương pháp chủ yếu để thực hiện sự đột phá

1.  Xây dựng trường thành trên biển, đem lực lượng quân sự đóng chốt ở tiền duyên   

Quân đội là sự bảo đảm căn bản để bảo vệ chủ quyền, an ninh và mọi lợi ích ở Nam Hải của Trung Quốc. Nơi nào có sự bảo đảm về lực lượng quân sự thì mới có thể thừa hành được chủ quyền một cách hiệu quả. Cùng với sự phát triển của lực lượng hải quân của nước ta, việc di chuyển lực lượng về phía nam cũng đã trở thành một xu thế tất yếu.

Thứ nhất, biến đảo Hải Nam trở thành đảo “Guam” của nước ta. Với tư cách là đảo chiến lược của nước ta, vai trò điểm tựa chiến lược của đảo Hải Nam trên Nam Hải là không thể thay thế được. Có thể nói không ngoa rằng, nếu không có đảo Hải Nam thì toàn bộ cục diện Nam Hải sẽ tan nát. Nếu như đảo Hải Nam không nằm trong tay chúng ta, thì Trung Quốc sẽ có “hai Đài Loan”, lực lượng quân sự Trung Quốc sẽ bị giam hãm chặt trên đại lục, con đường biển từ nam lên bắc sẽ khó lòng khơi thông, đừng có nói đến chuyện tiến quân vào Nam Hải và kinh doanh Trường Sa! Từ nay, đảo Hải Nam trở thành căn cứ quân sự, căn cứ không gian, căn cứ cung ứng, căn cứ hậu phương quan trọng nhất trên Nam Hải của nước ta. Là Tư lệnh bộ chiến lược của toàn Nam Hải, Hải Nam có vị trí chiến lược cực kì quan trọng. Đảo Hải Nam từ nay sẽ là căn cứ tàu ngầm hạt nhân, căn cứ máy bay ném bom chiến lược, máy bay do thám cỡ lớn, hàng không mẫu hạm, là căn cứ kinh doanh biển trên toàn Nam Hải của nước ta, đồng thời cũng là căn cứ và là pháo đài trên biển quan trọng nhất của lực lượng tấn công chiến lược của nước ta, “lực lượng pháo binh thứ hai”.

Thứ hai,  xây dựng pháo đài đá ngầm trên biển, thực hiện việc đóng quân lâu dài ở phần đảo tiền duyên là quần đảo Tây Sa. Trước đây, Liên minh Thu phục Lãnh thổ cho rằng, nước ta đã nắm chắc sự kiểm soát toàn bộ quần đảo Tây Sa, song những tin tức gần đây cho thấy, lực lượng quân sự vẫn còn quá mỏng, lại bị thất thoát không ít, khiến chúng ta phải lo lắng. Có tin tức cho biết, “từ thập niên 80 của thế kỉ trước đến nay, ngư dân Việt Nam thường xuyên đến quần đảo Tây Sa để đánh bắt cá bằng thuốc nổ, chất độc và điện, hủy hoại môi trường hết sức nghiêm trọng…”, còn cho biết: “Mặc dù nước ta đã tăng cường sự quản lý đối với Tây Sa, nhưng đôi khi vẫn có thể nhìn thấy những chiếc sàn phơi cá do ngư dân phi pháp Việt Nam dựng lên trên rạn san hô Tây Sa. Những chiếc ngư thuyền xâm nhập đánh cá này nhiều khi còn lấy trộm, phá hủy các thiết bị quân dụng của Trung Quốc…”. Có thể thấy, quần đảo Tây Sa hiện vẫn còn một vài đảo san hô nhỏ chưa đóng quân. Điều này cho thấy, đối với Tây Sa, chúng ta chưa coi trọng đúng mực, xây dựng chưa đầy đủ và lực lượng quân sự còn chưa mạnh! Từ nay cần xây dựng Hoàng Sa thành chiếc pháo đài trên biển vững chắc, không gì lay chuyển được. Cần xây thêm mấy pháo đài đá ngầm thế hệ hai vĩnh cửu, đồng thời điều quân ra đóng trên các đảo đá ngầm cận tây, cận tiền duyên gần với Việt Nam nhất. Cũng giống như với Nam Sa vậy! Quyết không được để tái diễn tình trạng các rạn đá san hô… bị ngư dân Việt Nam xâm nhập. Thử nghĩ xem, điều kiện đóng quân ở Nam Sa khắc nghiệt biết bao, còn ở các đảo đá ngầm và vùng biển thuộc Tây Sa mà nước ta đã thu hồi hoàn toàn thì điều kiện hết sức tốt, vậy cớ sao lại không được như ý? Thực ra, với vùng biển như ở Tây Sa, chỉ cần lực lượng quân đội nước ta mạnh lên, có đủ lực lượng đi tuần tra, thì thường không cần phải dùng đến lực lượng bảo vệ ngư dân phiền hà nữa. Thực ra, chỉ cần nước ta kiểm soát triệt để, chặt chẽ quần đảo Tây Sa, thì chuyện Việt Nam hoàn toàn từ bỏ hy vọng về quần đảo này chỉ còn là vấn đề thời gian.

Cần tăng cường xây dựng đảo Vĩnh Hưng (tức Phú Lâm). Vĩnh Hưng là hòn đảo có diện tích lớn nhất trong các đảo ở Nam Hải, đồng thời cũng là thủ phủ của thành phố Tam Sa. Xét về góc độ quân sự, thì đảo Phú Lâm cần xây thêm một đường băng cho máy bay cỡ lớn. Ngoài ra còn có thể thông qua các hình thức lấp biển tạo đất liền… mà làm cho đảo này, ở những nơi có điều kiện, to dần ra, càng to càng tốt, không sợ thiếu tiền mà cũng chớ có sợ phiền phức. Để thuận tiện cho một số lượng lớn máy bay quân sự, tàu chiến của chúng ta vào đóng quân, cần xây thêm một căn cứ quân sự cỡ lớn nữa ở Nam Hải của chúng ta.

Thứ ba, cần coi trọng cao độ vị trí chiến lược của quần đảo Trung Sa, đồng thời xây dựng đảo nhân tạo cỡ lớn làm trạm trung chuyển trên quần đảo san hô vòng Trung Sa. Quần đảo Trung Sa cách đảo Vĩnh Hưng khoảng 220 km; cách cảng Du Lâm đảo Hải Nam về phía tây bắc hơn 570 km. Là trung tâm các đảo ở Nam Hải của nước ta, có thể phóng ra bốn phía, có ưu thế về sự kiểm soát chiến lược quan trọng. Nhược điểm của quần đảo Trung Sa là, trừ đảo Hoàng Nham ra, dường như toàn bộ các đảo san hô vòng Trung Sa đều chìm hết dưới mặt biển mà không có đảo nổi. Các đảo san hô vòng ở Trung Sa có chỗ nông nhất là đầu rạn san hô bãi cát ngầm cách mặt nước biển khoảng 20m, chỗ sâu nhất là 200m. Diện tích các đảo san hô vòng ở trung Sa rất lớn, những nơi phù hợp cho việc xây dựng các đảo nhân tạo không phải là ít. Vùng biển nằm giữa quần đảo Trung Sa và quần đảo Tây Sa chính là tuyến hàng hải chính của Nam Hải, vị trí chiến lược cực kì quan trọng. Nhưng từ tháng 1-6 hàng năm, quần đảo Trung Sa có bão rất lớn, nếu như gặp phải giông bão, gió mạnh, sóng sẽ tung cao tới hơn 8 m. Đây chính là điểm bất lợi cho việc xây dựng đảo nhân tạo.

Liên minh Thu phục Lãnh thổ từng viết các tờ rơi “Xây dựng đảo nhân tạo trên các đảo san hô vòng ở Trung Sa, đặt căn cứ tiến quân vào Nam Sa”, đã tiến hành nghiên cứu rất kỹ lưỡng về việc xây dựng đảo nhân tạo. Thực ra, không nhất thiết phải xây đảo nhân tạo trên toàn bộ các đảo san hô vòng ở Trung Sa, mà nên xây nhiều đảo nhân tạo ở phần lớn những nơi phù hợp, nhất là những địa điểm thực sự có thể xây được những đảo nhân tạo cỡ lớn. Tôi không tin là một dân tộc từng dựng nên Trường Thành và Đập Đô Giang thời cổ xưa, từng xây nên Kênh đào Hồng Kỳ, Đập Tam Hiệp và Đường sắt Thanh Tạng lại không thể dựng nên hòn đảo nhân tạo cỡ lỡn! Vì xét thấy sóng khá lớn, nên khi xây đảo nhân tạo cỡ lớn trên các đảo san hô vòng ở Trung Sa nhất thiết phải làm đê phòng hộ, tốt nhất là làm đê phòng hộ trên các đảo san hô vòng, còn đảo nhân tạo thì xây bên trong các đảo san hô vòng.

Liên minh Thu phục Lãnh thổ cho rằng, cần dành ra những kho hang ở dưới mặt nước biển để chuẩn bị sẵn cho tàu ngầm đi vào. Phải chọn dùng những vật liệu xây dựng chống ăn mòn, đã xây thì phải xây nên những công trình ngàn năm. Ngoài những loại vật liệu xây dựng thông thường, còn phải đổ thêm đất đá lên trên mặt, để trồng các loại cây cối hoa cỏ, thích hợp cho con người cư trú. Cần nghiên cứu có trọng điểm về các biện pháp phòng chống bão, phòng chống sóng. Cần vận chuyển một khối lượng đất đá lớn từ đại lục hoặc từ các nước khác tới. Đã xây thì phải xây nên các đảo nhân tạo cỡ lớn, các căn cứ quân sự cỡ lớn, nhằm thực hiện đóng quân số lượng lớn. Sau này còn có thể xây nên những cơ sở sản xuất hóa công nghiệp, cung ứng, ngư nghiệp… cỡ lớn. Nếu như có thể trồng được san hô trên đảo nhân tạo để làm cho hòn đảo nhân tạo ấy ngày càng to ra lại càng tốt. Ngay cả nếu không thể trồng được, thì cũng phải trồng thật nhiều tại những nơi thích hợp để san hô sinh trưởng ở những địa điểm chưa xây dựng. Thực ra, những hòn đảo nhân tạo như vậy rất quan trọng đối với chúng ta! Quả thực, chúng ta không thể chờ đợi thêm được nữa. Nếu như xây được những căn cứ nhân tạo lớn ở đây, thì sẽ hình thành nên được chuỗi đảo Đảo Hải Nam – Quần đảo Tây Sa – Đảo nhân tạo Trung Sa – Bảy đảo Nam Sa ở Nam Hải, và thực tế là hình thành nên bức trường thành trên biển của nước ta.

Không thể không nói một chút về đảo Hoàng Nham. Đảo Hoàng Nham vẫn có một giá trị chiến lược khá cao, hơn nữa diện tích lại không thể coi là nhỏ. Hoàn toàn có thể đóng quân ở đây. Với đảo Hoàng Nham, trước mắt cấp bách nhất chính là ngăn cản không để cho Philippines đóng quân ở đây. Nếu như chúng ta chớp lấy mà đóng quân ở trước mặt Philippines là tốt nhất. Cho dù không được đi nữa thì cả hai bên cùng gác lại cũng tốt. Philippines chiếm giữ đảo Hoàng Nham theo hình thức lập pháp, đã mở ra một tiền lệ xấu, khiến cho việc tranh chấp Nam Sa có xu thế loang rộng ra cả Trung Sa. Chúng ta buộc phải có những động tác lớn ở Trung Sa, buộc phải xây dựng đảo nhân tạo. Dù chúng ta có đánh một cú mạo hiểm đi nữa thì thu hồi được Hoàng Nham cũng là đáng giá. Chúng ta có thể tạm thời không động gì đến các đảo đá ngầm ở Nam Sa đang bị Philippines chiếm, nhưng với đảo Hoàng Nham thì không được quá dễ dãi.

Thứ tư, xây dựng các bến bãi và đảo nhân tạo cỡ lớn trên 7 đảo đá ngầm (không kể đảo Ba Bình) ở Trường Sa và trên những bãi cát ngầm do ta kiểm soát. Ở những khu vực do ta kiểm soát, nếu có điều kiện thích hợp, cũng có thể xây dựng các bến bãi cung ứng và đảo nhân tạo, nhằm đặt nền móng tiền duyên cho việc khai thác Nam Sa, xây dựng Nam Sa tiếp theo.

Thứ năm, xây dựng các đảo nhân tạo hoặc các giàn khoan dầu mỏ trên mấy bãi cát ngầm ở Bãi ngầm James Shoal về phía cực nam lãnh thổ nước ta. Điều kiện trữ khí ở bồn địa Bãi ngầm James Shoal khá tốt, lại là vùng lãnh thổ ở cực nam nước ta. Chúng ta cần chớp lấy thời cơ đang chưa có tranh chấp để nhanh chóng xây dựng các đảo nhân tạo hoặc các giàn khoan dầu mỏ, coi đó là một cứ điểm để mưu tính Nam Sa.

2.  Ra sức tăng cường xây dựng lực lượng quân sự, để lực lượng quân sự của nước ta trở thành vô địch trên Nam Hải

Thứ nhất, Trung Quốc cần tăng cường xây dựng năng lực về không gian. Cần biết rằng, lĩnh vực không gian là lĩnh vực chủ yếu trong trò chơi tương lai giữa hai nước, hai quân đội Trung – Mỹ, đồng thời cũng là cuộc chạy đua mang tính quyết định. Xét về tương lai, quân sự không gian hóa là điều không tránh khỏi. Thiết lập được đường biên giới trên cao cao vô tận mới là cao điểm hệ chiến lược tranh giành ưu thế quân sự trong tương lai. Từ chuyện Chị Hằng ới một tiếng là va luôn phải Mặt Trăng, có thể nhìn thấy một cách rõ ràng rằng: sức mạnh của các căn cứ trên không thì to lớn đến nhường nào! Liên minh Thu phục Lãnh thổ không cấm đoán việc nghĩ tới chuyện Chị Hằng ra lệnh một cái là một quả bom hạt nhân, nếu như lại rơi xuống nước Mỹ từ trên không, thì đủ biết là sẽ gây thoái chí ra sao!  Dựa vào sức mạnh của một tiếng sét, phóng xuống mặt đất theo thế đè bẹp cả đỉnh Thái Sơn, quả là một sự hủy diệt tột đỉnh! Trung Quốc cần nhanh chóng vượt qua Mỹ trong lĩnh vực không gian, ít nhất cũng để tạo ra khoảng cách thế hệ. Trung Quốc nhất định phải nuôi tham vọng và có khả năng hơn thua với Mỹ, không được tạo ra thế cân bằng với Mỹ trong lĩnh vực không gian. Đây là sự bảo đảm căn bản cho nước ta giải quyết vấn đề Nam Sa sau này.

Thứ hai, Trung Quốc cần mở rộng xây dựng các lực lượng chiến lược. Trung Quốc cần xây dựng và tăng cường lực lượng tấn công hạt nhân chiến lược ba trong một, nhằm bảo đảm việc thực hiện triệt phá lẫn nhau ở phương diện đe dọa hạt nhân, tạo nên thế cân bằng uy hiếp. Trung Quốc cần tăng cường việc tạo nên khoảng cách thế hệ với Mỹ ở các lĩnh vực công nghệ cao, tối tân như công nghệ nanô, công nghệ năng lượng dẫn hướng, công nghệ người máy, công nghệ hạt nhân…, để sức mạnh quốc gia và trình độ khoa học kỹ thuật giữa hai nước Trung – Mỹ dần tiếp cận với nhau, để Trung Quốc ở vào thế vô địch về mặt quân sự.

Thứ ba, cần mở rộng việc đầu tư cho các lực lượng thông thường. Việc xây dựng các lực lượng hải quân như tàu chiến, tàu ngầm, máy bay… khi cần thiết phải được phát triển nhanh chóng, không được để lỡ hẹn. Phải nhanh chóng hoàn thành hàng không mẫu hạm để đưa vào Nam Hải, phải làm cho lực lượng hải quân và không quân của nước ta nhanh chóng chiếm ưu thế tuyệt đối, tạo nên thực lực và sức uy hiếp lớn mạnh ở Nam Hải, theo tuần tự từ bắc xuống nam, dễ trước khó sau, tiệm tiến, dùng các đảo nhân tạo ở Trung Sa làm điểm trung chuyển để từng bước tiến sâu vào Nam Hải, rồi thẳng tiến, chốt chặt lấy Nam Sa, thu hẹp không gian của các nước như Philippines… ở mức tối đa, mở rộng không gian chiến lược của nước ta tới mức tối đa, thu hồi lại chủ quyền Nam Hải của ta ở mức tối đa.

3.  Thực hiện việc hợp nhất  lực lượng đa chủng, thực hành mô hình giám sát Nam Hải bao quát toàn diện

Thứ nhất, nhanh chóng hợp nhất các lực lượng quân sự chuẩn, thành lập đội quân cảnh vệ bờ biển ở Nam Hải. Việc quản lý hành chính đối với vùng biển nước ta hiện đang ở tình trạng “loạn cào cào” (nguyên văn: “cửu long náo hải” – ND), mạnh ai nấy làm, lực lượng bị phân tán. Chúng ta cần học theo cách làm của đội quân cảnh vệ bờ biển Mỹ, nhanh chóng hợp nhất các ngành quản lý hành chính biển có liên quan như ngành ngư chính Bộ Nông nghiệp, ngành giám sát hải quan…, hình thành nên lực lượng quân sự chuẩn để bảo vệ quyền lợi biển của Trung Quốc, thành lập đội quân cảnh vệ bờ biển của Trung Quốc, thực hành sự chỉ đạo thống nhất, điều hành thống nhất, trang bị thống nhất, để hình thành nên một đội ngũ chấp pháp trên biển, nhạy bén thông tin, phản ứng nhanh, mang tính chuyên nghiệp cao.

Thứ hai, cần nhanh chóng thành lập thành phố Tam Sa, thiết lập qui hoạch hành chính hoàn chỉnh ở Nam Hải. Đây là một trong những biện pháp sắc bén nhất trong việc tuyên bố chủ quyền của nước ta, không cần phải đắn đo ngại ngùng gì trước sự phản đối của các nước khác.

Thứ ba, cần thành lập bộ tài nguyên chiến lược, thực hành sự quản lý giám sát tài nguyên chiến lược, từ đó mà hình thành nên sự đối đầu với Mỹ – Nhật. Nhanh chóng thu hồi quốc hữu hóa toàn bộ, thực hành sự quản lý giám sát nhà nước, nhất luận cấm chỉ xuất khẩu tư nhân đối với tài nguyên chiến lược như đất hiếm, kim loại màu… Với các  loại đất hiếm đang được kinh doanh tập thể hoặc cá thể hiện nay, phần lớn lượng kim loại hiếm và kim loại màu chỉ riêng nước ta có hoặc đã được chiếm cứ, phải thu hồi quốc hữu hóa toàn bộ theo hình thức nhà nước mua lại, đồng thời thu hồi quyền kinh doanh tài nguyên chiến lược cá thể hoặc tập thể về lại trung ương. Không bao giờ được để xuất hiện bi kịch “đất hiếm được bán theo giá đất thường”!

Hãy xem nước Nga đã không ngần ngại khi chơi “con bài dầu mỏ”, đã nhiều lần “cắt dầu” của Ucraina, oai phong tràn đầy! Rốt cuộc chúng ta đã thua kém ở chỗ nào? Tài nguyên chiến lược cần phải trở thành quân át chủ bài trong tay Trung Quốc! Không được để không xuất khẩu một tí nào, tất cả đều phải đưa về bảo vệ lợi ích căn bản cho đất nước, thép tốt phải dùng trên lưỡi dao lưỡi kiếm. Chúng ta phải dùng tài nguyên chiến lược để đánh đổi với Mỹ – Nhật, lấy sự nhượng bộ các vấn đề Nam Sa, Đài Loan… hoặc lấy công nghệ cao tối tân.

Thứ tư, Trung Quốc phải kết hợp với thực tế mà xây dựng mô hình giám sát bảo vệ quyền lợi bao quát toàn diện. Kết hợp một cách hữu cơ các lực lượng quân sự, lực lượng quân sự chuẩn và lực lượng phi quân sự (như ngư thuyền…), tạo ra được mô hình giám sát không gian lập thể: trên vũ trụ có vệ tinh, trên trời có máy bay, trên biển có tàu thuyền, dưới biển có tàu ngầm, đồng thời hợp nhất các loại lực lượng giám sát bằng tin học hóa, đánh đuổi các thế lực xâm lược Nam Hải một cách thực sự.

4.  Lấy việc khai thác xây dựng Nam Hải, nhất là Nam Sa, làm động lực cơ bản và kế sách lâu dài

Thứ nhất, khai thác xây dựng Nam Sa phải lấy các căn cứ, giàn khoan dầu mỏ… cỡ lớn làm điểm tựa. Trong quá trình này, các đảo nhân tạo ở Trung Sa, các đảo nhân tạo trên 7 rạn san hô ở Nam Sa và các giàn khoan dầu mỏ sẽ trở thành điểm dừng chân và trạm trung chuyển quan trọng của nước ta. Vì thế, dù cho việc xây dựng đảo nhân tạo ở Trung Sa và Nam Sa có khó đến đâu đi nữa cũng phải kiên trì hoàn thành cho bằng được, nếu không, chúng ta chẳng có nổi tấc đất cắm dùi.

Thứ hai, có thể nghiên cứu xem xét mô hình binh đoàn xây dựng sản xuất để xây dựng các binh đoàn xây dựng sản xuất ở Nam Hải hoặc Nam Sa. Ngài Adaofu2   (tên chủ trang blog  adaofu2.blog.china.comND) đã đề xuất ý tưởng thành lập các đơn vị bộ đội sản xuất, bộ đội du lịch ở Nam Sa, Liên minh Thu phục Lãnh thổ cho rằng quả không tồi, có thể xem xét được. Ý tưởng thành lập các binh đoàn xây dựng sản xuất ở Nam Hải do Liên minh Thu phục Lãnh thổ đề xuất cũng chịu ảnh hưởng từ mô hình binh đoàn xây dựng sản xuất ở Tân Cương, phỏng theo kinh nghiệm “quân khẩn đồn điền” trong lịch sử. Thành lập một nhánh bộ đội như vậy, dùng lực lượng vũ trang để yểm trợ Nam Hải, nhất là khai thác xây dựng Nam Sa, là hết sức cần thiết. Đây không hề giống với việc cho phép bộ đội kinh doanh mở xưởng. Có được một nhánh bộ đội như vậy thì chúng ta có thể đẩy nhanh  được tiến độ khai thác Nam Sa, đồng thời nuôi quân được ngay tại chỗ, thật giống với diệu kế “dĩ nông dưỡng binh” trong lịch sử, tránh được cái dở bảo vệ Nam Sa đơn thuần, đường biển xa xôi, chi phí cực lớn, thử hỏi sao mà không làm?

Thứ ba, khích lệ các lực lượng kinh tế khai thác Nam Sa, lấn chiếm không gian của các thế lực xâm lược. Trong hai kỳ họp năm nay, có người đề xuất việc xây dựng đặc khu kinh tế Nam Hải hoặc Nam Sa, Liên minh Thu phục Lãnh thổ cho là rất tốt. Trung Quốc có thể phỏng theo mô hình đặc khu kinh tế nội địa, định ra các chính sách ưu đãi, cho phép các lực lượng kinh tế của Trung Quốc được tham gia vào việc khai thác Nam Sa với mức độ lớn nhất, bằng việc khai thác Nam Sa, bảo vệ Nam Sa, xây dựng Nam Sa mà thay đổi được về cơ bản tư duy coi trọng đất liền xem nhẹ biển theo truyền thống Trung Quốc, tăng cường sự có mặt của nước ta ở Nam Sa trên thực tế.

Liên minh Thu phục Lãnh thổ cho rằng dạng khai thác này phải được tiến hành trong các vùng lãnh thổ đã bị Việt Nam chiếm, Philippines chiếm, Malaysia chiếm, không được tiến hành trong các khu vực do nước ta kiểm soát, nếu không, sẽ không phải là “đồng khai thác” nữa. Trung Quốc sẽ đưa phần đông lực lượng vào các vùng biển đã bị chiếm, sẽ tiến hành đồng khai thác với các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia… Dĩ nhiên là họ nhất định sẽ không chấp thuận. Vậy thì Trung Quốc sẽ chẳng còn khách khí gì nữa. Bởi vì với cái chuyện mình có thể độc chiếm, thì chẳng có ai vui vẻ chung hưởng với người khác. Đồng khai thác Nam Sa cũng là cái lý như vậy. Trung Quốc phải dùng các lực lượng quân sự, lực lượng quân sự chuẩn và lực lượng phi quân sự để buộc những nước này chấp thuận.

Tục ngữ có câu: “Binh lai tướng đáng, thủy lai thổ yểm” (Tạm dịch: Lính đến tướng chặn, nước đến đất chắn  – ND). Vốn dĩ có chuyện gì là ghê gớm đâu. Nước ngoài các người phái tàu quân sự đến ngăn cản lực lượng giám sát của nước tôi đi tuần tra Nam Sa, vậy thì lực lượng quân sự của nước tôi cũng cần phải áp chế. Lấy việc tàu ngư chính đi tuần tra làm ví dụ, chúng ta có thể để các thành viên đặc chiến làm chủ lực cho các nhân viên ngư chính tiến hành tuần tra, về đối ngoại còn gọi là nhân viên ngư chính. Đồng thời còn trang bị cả các loại vũ khí như súng máy hạng nặng, bệ phóng tên lửa tì vai… cho các tàu tuần tra, đảm bảo cho súng có bị xịt thì cũng quyết không ở vào thế bất lợi. Dĩ nhiên, tàu quân sự Trung Quốc cũng có thể lùng sục săn tìm rất xa, tàu ngầm Trung Quốc cũng có thể hộ tống cả dưới biển, đảm bảo cho có đánh thì chúng ta cũng không ở vào thế bất lợi. Biện pháp tốt nhất là áp sát tuần tra, chấp pháp, không sợ cọ xát, không sợ đấu tranh, cũng không sợ chiến tranh. Tôi không tin là các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia… lại dám đánh chìm các tàu tuần tra và tàu chiến cỡ lớn của Trung Quốc.

Liên minh Thu phục Lãnh thổ cho rằng, quân đội không được tỏ ra quá văn minh, nhất là càng không được tỏ ra quá văn minh với kẻ địch bên ngoài, quá văn minh là ủy mị, là làm mặt làm mũi, là phạm tội! Người quân nhân cần có cái tâm của hổ sói và cái chí khí sát phạt, có sức dẻo dai và cốt cách dữ dằn, liều lĩnh, không sợ chết, không chịu khuất phục. Chớ có quá lịch sự kiểu như chàng thư sinh mặt búng ra sữa. Khí phách, chí khí anh hùng hào kiệt, ý chí bá quyền và ý chí mạnh mẽ sẵn sàng chiến đấu, quyết đánh đến cùng trong lịch sử đâu cả rồi? Một nước lớn với 1,3 tỉ dân rốt cuộc sẽ còn ẩn nhẫn chịu đựng cho đến bao giờ? Ý chí người dân hiện giờ hết sức mạnh mẽ, đồng bào Đài Loan cũng đang dõi theo chúng ta. Các thế lực xâm lược khác cũng đang dõi theo chúng ta. Vì sao người Nhật lại coi khinh chúng ta? Bởi vì chúng ta đã làm cho mọi người quá thất vọng kể từ thời cận đại. Người Nhật từng nể sợ, thậm chí có những người còn tỏ ra sùng bái người Trung Quốc dưới triều Hán! Người Nhật không hề dám coi thường tổ tiên người Trung Quốc. Từ thời cận đại, người Trung Quốc quả thực đã bị lợi dụng quá nhiều, đã xuất hiện những sai lầm chiến lược tương đối lớn, cả về vấn đề Ryukyu lẫn vấn đề Nam Sa, khiến cho kẻ thù hả dạ, người thân đau lòng, để người khác coi thường.

Người Trung Quốc cần phải dũng cảm đấu tranh, không sợ hy sinh, không ngại những lời đơm đặt. Trung Quốc tốt nhất nên dùng sức mạnh quân sự chuẩn để tiến vào Nam Sa, bảo vệ chủ quyền ở những vùng địch chiếm, các lực lượng quân sự của Trung Quốc đã dần tiến sát, các ngư thuyền và các nhà khai thác đi theo sau. Không sợ đối đầu, không sợ cọ xát, không sợ xung đột vũ trang quy mô nhỏ. Điều này sẽ gây áp lực rất lớn lên các nước thù địch. Cho dù Trung Quốc không muốn khai chiến, mà chỉ muốn nghi binh thì cũng phải làm như thật. Mục đích chỉ là một, chúng ta muốn khai thác tài nguyên ở Nam Sa. Chúng ta muốn thò trước một chân vào đó, rồi mới đồng khai thác. Sau khi đã vững chân rồi mới yêu cầu lực lượng quân sự các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia… phải rút khỏi Nam Sa có kỳ hạn. Hàng năm chúng ta cũng có thể soạn thảo đề án ở Liên hiệp quốc, dĩ nhiên chưa chắc đã đạt được mục đích, song nếu tạo được ảnh hưởng thì vẫn cứ làm.Trung Quốc phải thẳng thừng tuyên bố Nam Sa là lãnh thổ vốn có của ta. Không được nhìn thấy Nam Sa nằm gần lãnh thổ của các nước nhỏ mà đã thấy đuối lý, nhụt chí, cho rằng lãnh thổ của nước ta chỉ đóng khung ở một đại lục nào đó.

Cần phải biết rằng, từ thời Đường – Hán cho đến thời Minh –  Thanh, nhiều đảo ở Nam Hải đã trở thành lãnh thổ của Trung Quốc. Khi ấy Việt Nam, Philippines là gì? Vẫn còn là nước lệ thuộc vào Trung Quốc, vào đời Thanh, Tô Lộc Vương muốn gộp vào mà chúng ta chưa đồng ý, bây giờ cứ xem Tô Lộc Hải (tiếng Anh: Sulu Sea – ND) nằm ở đâu thì biết được là nước nào. Sau này lại trở thành thuộc địa của nước khác. Xét về mặt lịch sử, trước các thập niên 60, 70, 80 của thế kỉ trước, xung quanh Nam Hải của Trung Quốc có được mấy nước không phải là thuộc địa? Chủ quyền của họ từ đâu đến? Nam Sa là một mảnh đất vốn có của nước ta, cũng giống như một mái nhà xưa vậy. Không được đợi đến cái ngày mà chỉ có vài tên oắt con đến chiếm một cái thì đất ấy trở thành của bọn hắn! Dưới gầm trời này đâu có chuyện phi lý như vậy.

Bản đồ của người trung Quốc cũng thực sự đã được sửa đổi, chớ có coi khu vực Nam Hải là một tấm bản đồ nhỏ mà đem giấu giấu giếm giếm, như kiểu thiếu tự tin, lại như kiểu muốn in thêm Nam Hải vào là phải tốn thêm một tờ giấy, nên người Trung Quốc không mua nổi bản đồ đâu. Hình dạng bản đồ Trung Quốc có hình chữ “Y”, chứ không phải là hình con gà trống, không được quên là chúng ta còn có “đường chín đoạn” ở Nam Hải, nếu có muốn in thì phải in bản đồ toàn Trung Quốc theo cùng tỉ lệ! Người Trung Quốc cần nói rõ ràng chính xác cho các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia… biết rằng, chuyện nhượng cho các người một chút lợi ích là không sai, còn muốn chiếm lãnh thổ của Trung Quốc thì chẳng có phương cách nào đâu! Xuất đầu lộ diện làm lẫn lộn trắng đen thì phải quay về. Những tiểu quốc của các người đã khai thác nhiều tài nguyên của chúng ta đây đến thế, các người dự định nay mai sẽ lấy gì để bồi hoàn đây?

Như Việt Nam bản thân là nước nghèo về dầu hỏa, hiện đang khai thác trộm dầu mỏ ở Nam Hải, thế là trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ! Nếu như người Trung Quốc không tính tổng nợ với các người, thì phụ nữ của cả nước các người có đi làm hoa hậu hết cũng không trả nổi! Trung Quốc phải thu hẹp không gian chiếm nước của kẻ địch ở một biên độ lớn bằng các lực lượng quân sự, lực lượng quân sự chuẩn và lực lượng phi quân sự, trước tiên thực hiện đồng khai thác, rồi khi có điều kiện thích hợp sẽ sử dụng các phương thức như dùng vũ lực cưỡng bức quay trở về, dùng lợi ích để dụ quay trở về…, cuối cùng là thu hồi lại Nam Sa một cách khá hòa bình.

Thứ tư, Trung Quốc phải đầu tư một nguồn vốn lớn để nghiên cứu công nghệ làm ngọt hóa nước biển, tranh thủ thực hiện bước đột phá lớn. Mục tiêu là để dùng tài nguyên dầu mỏ làm động lực, làm ngọt hóa nước biển, thực hiện việc cung cấp nước ngọt cho nhiều đảo ở Nam Sa. Trung Quốc có thể đồng khai thác Nam Sa cùng với chính phủ khu vực Đài Loan và đồng bào Đài Loan, từ đó mà bảo vệ lợi ích dân tộc ở chừng mực lớn nhất, làm hài hòa được tình cảm dân tộc. Hai bờ có thể tiến hành xem xét khả năng đồng tận dụng quần đảo Ba Bình.

5.  Phân biệt đối xử, phân hóa làm tan rã Khối ASEAN   

Bán đảo Đông Dương mang một ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc (xem thêm các biện giải của Liên minh Thu phục Lãnh thổ: “Chiến lược ‘song bán đảo’ của Trung Quốc”, “Chiến lược biển ‘một đảo hai neo’ của Trung Quốc”), có mối liên quan đồng cam cộng khổ, sinh tử với sự trỗi dậy cường thịnh của Trung Quốc! Là hướng đột phá chiến lược của Trung Quốc. Theo phương châm “Mục tiêu hữu hạn, đột phá trọng điểm”, trong giai đoạn này Trung Quốc cần ưu tiên phát triển trước mối quan hệ với Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, thực hành chính sách ưu đãi không giống nhau đối với các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia… Đối với 4 nước như Miến Điện…, lấy lôi kéo là chính, đối với các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia… xâm chiếm lãnh thổ Nam Sa của chúng ta, lấy đánh là chính, ân oán ngang nhau. Chú trọng tăng cường mối quan hệ với Miến Điện, khơi con đường ra biển chiến lược về phía tây nam Trung Quốc thông thẳng sang Ấn Độ Dương! Bằng các phương thức đường sắt, ống dẫn dầu khí… mà kết chặt Trung Quốc với Miến Điện lại một mối, hình thành nên cộng đồng lợi ích. Cần chú trọng tăng cường mối quan hệ với Thái Lan, chọc thủng eo đất Kra sẽ có thể trực tiếp phế bỏ được eo biển Malacca! Khiến cho Trung Quốc có thể qua Nam Hải mà đến thẳng được Ấn Độ Dương, biên duyên hóa (tiếng Anh: Marginalized – ND) triệt để Singapore, gõ cửa Indonesia, Malaysia thật mạnh!

Trung Quốc sẽ thiết lập nên hành lang đất liền Nam Hải –  Vân Nam – Lào – Campuchia trên thực tế của nước mình, để tiện cho việc tăng cường hỗ trợ cho Nam Sa từ trên đất liền, hình thành nên thế kẹp biển – đất liền đối với Việt Nam. Đồng thời cũng tiện cho việc vận chuyển tài nguyên dầu mỏ khai thác được ở Nam Sa từ con đường đất liền đến khu vực Vân Nam. trên thực tế Nam Hải đã phân chia Đông Nam Á thành các nước bán đảo và các nước quần đảo. Nam Hải đã liền thành một thể với Đông Nam Á. Khối ASEAN muốn bài xích mưu đồ của Trung Quốc là có chủ định đã phải thất bại. Trung Quốc đặt chân lên Nam Hải, tất nhiên sẽ có thể thả sức tách nhập, phân hóa khối ASEAN.

Quốc Trung dịch từ Nhân Dân võng.

 

Leave a comment